ĐÔI VẦN THƠ GIÃ TỪ ĐÀ LẠT
QUÁN NGỌC TRÂM DỐC NHÀ LÀNG
Mỗi năm lại có một tháng Tư, một thời điểm gợi nhớ biết bao kỷ niệm cho những kẻ xa xứ. Mỗi người một tâm sự, một niềm nhung nhớ. Riêng cá nhân tôi thời làm sao mà quên được Đà Lạt thuở xa xưa. Cái nơi từng được mệnh danh là thành phố hoa đào, thành phố sương mù…
Đà Lạt với những con dốc. Những con dốc thơ mộng từng đưa đón bước chân những kẻ yêu nhau quấn quít trong men tình nồng ấm giữa trời giá lạnh. Dốc đưa lên khu chợ Hòa Bình tại trung tâm thành phố, dốc đưa lên qua Đồi Cù dẫn tới Viện Đại Học Đà Lạt, dốc đưa lên rạp chiếu bóng Ngọc Lan và biết bao con dốc không tên khác… Một trong những con dốc bất ngờ được nhiều người nhắc tới là con dốc “Nhà Làng” đưa người đi tắt từ khu Hòa Bình xuống phía khách sạn Cẩm Đô đường Phan Đình Phùng.
Dốc “Nhà Làng” từng hội tụ một số người yêu văn thơ tự xưng là nhóm Trà Sơn, ngay nơi quán “Ngọc Trâm”, một quán nhỏ cất ven đường dốc bên vườn hoa lan thơm ngát hương Thiền. Cạnh vườn hoa là hiên “Duyệt Ứng” nơi chủ nhân chất chứa bao sách vở văn chương, thi phú. Hãy nghe nhà thơ lão thành Việt Trang giới thiệu đôi nét về chốn này: “Giờ đây, Dalat cùng ta vui chân xuôi về một con đường quê huyền sử, nép bình yên bên lòng thành phố. Con đường thoai thoải đi lên, nghiêng nghiêng chảy xuống, có đá ngủ triệu năm, có hoa Trạng Nguyên hồng lên chào đón. Con đường còn mang tên một danh nhân ái quốc Việt Nam - Nguyễn Biểu - dài sâu hun hút, chưa tròn trăm thước rộng vừa sải tay người mà thế nhân lại chưa đi trọn cuộc đời đạo hạnh. Con đường còn mang tên Dốc Nhà Làng, không vương gió bụi, không có ngựa xe qua mà bồng bềnh sương khói. Con đường đưa dần ta vào huyền thoại, ngược lên 4.000 năm lịch sử vinh quang để bắt gặp hình dáng quê hương nguyên thủy. Mai chiều, bốn mùa qua lại, thân thuộc với đường xưa, ta bồi hồi, hơn một lần gởi gắm ít nhiều tâm sự.”
Thư sinh Lan Hinh, chủ nhân quán “Ngọc Trâm” và hiên “Duyệt Ứng”, với tâm hồn lãng mạn, với tình cảm tha thiết, khó quên những buổi họp mặt của mình cùng các thi hữu vong niên lai rai bên chén rượu thuốc đưa cay gợi hứng. Nhà thơ Tâm Minh ghé thăm vườn hoa lan, cùng chủ quán và một vài thi hữu gật gù nhấp chén “mai quế lộ”, nghe ngâm ít vần thơ… Hơi men nồng nàn. Thi hứng tuôn trào. Thầm nghĩ trước khi phải rời xa Đà Lạt quá đỗi thân thương này và phải rời xa quê hương yêu dấu để dấn bước vào con đường viễn du biển sóng chập chùng vô định có lẽ phải viết “tặng lại ít vần thơ” chứ! Giấy bút sẵn đó. Bài thơ làm để tặng quán. Bài thơ cuối cùng làm tại Đà Lạt. Mà nghe sao như những lời ngậm ngùi nhỏ lệ từ biệt thành phố cao nguyên yêu dấu! Bài thơ mang tên “Dừng chân quán nhỏ”:
“Ngọc Trâm quán nhỏ xinh xinh
Cỏ cây hoa lá diễm tình điểm trang
Ẩn mình bên dốc Nhà Làng
Lặng nhìn nhân thế rộn ràng ngược xuôi
Dòng đời trôi nổi buồn vui
Đá mòn in dấu đầy vơi nỗi niềm
Sang mùa mưa nắng vương thềm
Lao xao gió thổi, êm đềm sương bay.
Lãng du ghé quán một ngày
Khách thơ lưu tặng tỉnh say đôi vần
Rồi mai tiếp bước chân trần
Đường đời vạn nẻo trắng ngần bóng mây
Cười pha lê vỡ phút giây
Tình thơ bàng bạc, hao gầy nhớ nhung.”
(Tâm Minh)
NHỚ CHÙA LINH SƠN ĐÀ LẠT
Khi thấy Tâm Minh phải rời xa chùa, sư Tâm Ngộ (Chơn Thiện) tại chùa Linh Sơn của thành phố Đà Lạt cảm khái viết tặng vần thơ thay lời tiễn biệt. Bài thơ có tựa đề là “Ra đi ”:
“Ra đi để lại nàng thơ
Lộ trình thiếu hẳn giấc mơ dị thường.
Người đi cảm thấy như tuồng
Trời đất thiếu một linh hồn ngày qua.
Ra đi là nghĩa cuộc đời
Dòng sông là chảy, mây trời là bay.
Ra đi là đẹp ngày mai
Đong đầy hi vọng cho ai cho mình.
Nhà thơ mở cuộc đăng trình
Vần thơ để lại chút tình thâm giao.” (Tâm Ngộ)
Cũng nhân nói đến ngôi chùa Linh Sơn, người ta nhớ đến một vị sư khác tại đây. Sư cất một cái “cốc” nhỏ ngay sau chùa, bên vườn trà. Hứa Hoành kể rằng “Thầy là người cha Nhật mẹ Việt, sinh năm 1926. Khi Nhật vào Đông Dương, thầy bị bắt đi làm thông ngôn một thời gian. Năm 1951 thầy tốt nghiệp trung học Yersin. Trong thời gian ở chùa Linh Sơn, thầy vẫn cầu học, dịch kinh sách, và ghi danh theo học ở Viện Đại Học Đà Lạt, phân khoa văn chương và triết học. Sau đó thầy chuyên về môn văn chương Anh Mỹ, tốt nghiệp cử nhân với đề tài tiểu luận “William Faulkner” vào năm 1975!”
Đó chính là sư Viên Ngộ tên thế tục là Lê Trung Trang Nishio. Nói về vị sư này Phạm Mai Hương cho biết: “Thầy dạy Anh văn trường trung học tư thục của ông Lê Phỉ, nằm ngay ngã ba Duy Tân. Lúc ấy tuy chưa vào chùa nhưng thầy đã sống đời khổ hạnh. Học sinh thường đến thăm thầy trong một căn gác gỗ bên cầu Hải Thượng. Chiếc gác nhỏ, ngăn nắp chỉ để chiếc nệm đơn, đặt sát tường, chiếc bàn thấp, vài chiếc đệm làm ghế, thầy thường mở chiếc cassette nhỏ có ghi bản nhạc đồng quê Mỹ để cùng nghe với học sinh. Thầy xuất gia ở chùa Linh Sơn và cất chiếc thất nhỏ trong khu vườn chè, đó cũng là nơi bạn thơ thường hội tụ.”... “Thầy Viên Ngộ có khuôn mặt hiền hòa, đôi mắt hiền từ sau cặp kính dày cộm, nụ cười thanh thoát, người ốm yếu như một vị tu khổ hạnh người Ấn Độ.
Một chấm vàng trên thành phố lạnh
Bao la trời đất đẹp nguyên lành
Nẻo thiền sỏi đá thành kinh kệ
Rải bước vân du bước độc hành”
Phạm Mai Hương ghi lại một bài thơ của thầy Nishio bằng tiếng Anh được thân phụ cô là nhà thơ Việt Trang dịch sang thơ tiếng Việt. Cả hai bài thơ như sau:
“Tomorrow I will
Go back to the small town
With the wind murmuring high above foggy
My soul is divided into two parts:
One halft would follow some bohemian
And another halft would remain in motherland.” (Nishio)
“Mai sẽ quay về phố nhỏ
Trên cao gió lộng ngàn phương
Nửa hồn theo chân lãng tử
Nửa hồn gởi lại cố hương.” (Việt Trang dịch)
Trong thời gian sống ở Linh Sơn, giữa cảnh chùa đầy an lạc và cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, cảnh núi rừng tịch mịch của Đà Lạt, sư Nishio cảm hứng đặt bút viết mấy vần thơ tiếng Anh tặng Tâm Minh, “Rain”, với lời ghi chú “Ghi lại theo hướng dẫn của Nàng Thơ”, “Dalat, Linh Sơn, A Sunny Noon”:
“Rain in sunshine
and absolute silence
in the chaos of Life.” (Nishio)
Sư tự dịch thành hai câu thơ đầu và Tâm Minh góp thêm tiếp hai câu cuối thành bài thơ kỷ niệm ngày cùng nhau hội ngộ để rồi chia tay:
“Nắng mưa, mưa nắng bên mương
Lặng yên tô điểm tơ vương dòng đời,
Một trưa đầy ánh mặt trời
Giữa Linh Sơn tự tuyệt vời bóng mây.” (Nishio & Tâm Minh)
Một buổi đẹp trời khác, sư Nishio lại ghi tặng mấy vần thơ cho người bạn thơ sắp ly biệt:
“Yesterday, Tomorrow,
Tomorrow and Yesterday
Human Bondage is but a Play.
Merry days flow fast
and Suffering is slow,
And all things – Pains and Happiness
are quite similar.” (Nishio)
Tâm Minh lại phỏng dịch và gửi đáp lễ lại tặng sư:
Hôm qua rồi đến ngày mai
Ngày mai cùng với ngày dài hôm qua
Trăm năm kiếp sống người ta
Ngẫm ra mới thấy chẳng qua tấn tuồng.
Ngày vui trôi tựa thác tuôn
Đau thương chậm nhỏ giọt buồn miên man.
Mọi điều ở cõi dương gian
Khổ Đau, Hạnh Phúc vô vàn giống nhau.” (Tâm Minh)
Ít lâu sau, khi Tâm Minh phải rời Đà Lạt về Sài Gòn. Đến chào sư. Lúc chia tay sư Nishio lại viết tặng mấy câu “A farewell”:
“And comes the departure of a friend.
The Muse - Poetical Intoxication as well.
A drop of Sadness hence.
Survives in Oblivion forever.” (Nishio)
Nhà thơ Việt Trang chuyển dịch sang tiếng Pháp thành bài “Adieu”:
“Et s’en va un ami
Lyre aussi l’ Ivresse
Une goutte de Tristesse
Survit dans l’ Oubli.” (Việt Trang)
Tâm Minh đáp lễ phỏng dịch ý cả hai bài thơ nói trên:
“Bạn hiền tung cánh chim bay
Dìu Nàng Thơ, quyện Đắm Say theo cùng
Giọt buồn gieo nhẹ không trung
Âm vang bất diệt trong vùng Lãng Quên.” (Tâm Minh)
Một vị sư khác là sư Viên Thức. Cũng từ trong khung cảnh chùa Đà Lạt sư đã cảm tác ra những vần thơ bằng tiếng Anh, đầy thiền vị, gom góp lại thành thi tập “Zen poetry”. Tạm trích một bài:
“Welcome to the Pagoda
The air becoming cooler
marking the end of a blissful day,
the sun beginning to set
The night will come and embrace the earth
And the moon temporarily takes the sun’s place,
together with the stars.” (VIên Thức)
Nhận được sách tặng của sư, Tâm Minh lại chuyển ngữ sang thơ Việt và hồi âm để gọi là đáp lễ lòng ưu ái của sư đối với kẻ sắp phải rời xa Đà Lạt:
“Đón chào khách ghé thăm Chùa
Bàu trời êm dịu mát ru lòng người
Một ngày hạnh phúc qua rồi
Vầng dương sắp lặn cuối trời theo mây
Màn đêm lại sẽ ghé đây
Bao trùm vạn vật cỏ cây cõi trần
Bóng Hằng hiển lộ thay chân
Cùng muôn tinh tú, sáng ngần ánh sao.” (Tâm Minh)
Một bài thơ khác, lời thơ cũng giản dị, nhẹ nhàng thanh thoát, như phong cách ung dung tự tại của người tu sĩ Đà Lạt:
“The symphony for millenn
Played through the wonders of nature
surrounding us in Dalat.
Dalat the country of perpetual fog
And ever green everywhere on the path
And sunshine bursting through the gold lined clouds.” (Viên Thức)
Tâm Minh cũng lại phóng tác và chuyển ngữ sang thơ Việt:
“Bản hòa tấu khúc thiên niên
Trổi vang cảnh đẹp khắp miền bao la
Quanh Đà Lạt thành phố ta
Sương mù muôn thuở giăng qua xóm làng
Màu xanh khắp nẻo thênh thang
Ánh dương nở rọi mây vàng khắp nơi.” (Tâm Minh)
Phạm Mai Hương cho biết: “Thầy Viên Thức cũng xuất thân từ chùa Linh Sơn. Sau đó, thầy trụ trì chùa Lâm Tì Ni. Thầy có biệt tài viết thư và vẽ tranh. Những bức tranh vẽ xong có cái được treo lên, có bức cuộn tròn xếp cất chỗ này, nhét chỗ kia. Bụi bặm bám đầy khiến tranh có một nét đặc biệt. Một hôm thầy Viên Ngộ đề một bài thơ tiếng Anh lên một bức vẽ và treo trên tường nhà tri khách. Một du khách nước ngoài ghé chùa, thấy bài thơ, dừng chân lại đọc, ngẫm nghĩ và mua bức tranh với một giá không ngờ. Từ đó tranh của thầy Viên Thức bán rất chạy và hầu như chỉ bán cho khách nước ngoài. Thầy trở nên nổi tiếng nhưng sống vẫn đạm bạc chỉ ăn cơm với chuối.”
Thanh thản đi về với phố xưa
Quanh co rừng núi khói sương mờ
Nẻo lên thiền viện xanh cành trúc
Tiếng lạnh bên đời gọi tiếng thơ”.
Cuộc sống tha hương gơi nhớ lại biết bao kỷ niệm yêu quý với thành phố Đà Lạt thân yêu, với ngôi chùa xưa, thầy cũ, với bạn đạo. Bao lần dạo bước quanh chùa cùng đàm đạo và xướng họa. Duyên thơ chẳng khi nào dứt… Cùng gia đình lên lễ Phật, vãn cảnh và thăm chùa nhiều lần, kẻ xa xứ không chỉ nhớ đến chùa xưa vào những tháng Tư mà còn nhớ đến cả trong dịp Xuân về. Từ nơi đất khách cô quạnh Tâm Minh viết bài “Xuân lữ thứ” như muốn gửi gấm chút tình về chốn cũ:
“Thiên nhiên khởi sắc đón mùa sang
Lòng kẻ tha hương bỗng rộn ràng
Đất khách chẳng còn tràng pháo đỏ
Quê người dù thiếu bóng mai vàng
Chúc Xuân lời vẫn ươm tình nghĩa
Mừng Tết thơ luôn đượm ánh quang
Thoang thoảng hương trầm khơi kỷ niệm
Vẳng chuông chùa cũ tiếng còn vang.” (Tâm Minh)
LS. Ngô Tằng Giao (Tâm Minh)
(4-2020, Virginia, USA)