BÙI GIÁNG
Cuối năm 1991, có việc về Sài Gòn, tôi ghé thăm nhà thơ Song Nguyên ở đường Lê Văn Sỹ. Bên ly cà phê ở một quán cóc vỉa hè, anh em nói chuyện về thi ca và các nhà thơ, chuyện này sang chuyện kia, Song Nguyên kể:
- À! Anh biết không? Ông Bùi Giáng thường hay ghé vào hẻm 220 này lắm.
Bùi Giáng là nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam, ông không những làm người ta thán phục vì lời thơ hay mà còn khiến người ta kinh ngạc về lối sống, bộ dạng khác thường của ông, lúc bình thường ông về nhà sống nhưng khi lên cơn ông bỏ đi lang thang từ đường này sang đường khác, hết các hang cùng ngõ hẻm trong thành phố mặc cho nắng oi gắt trên đầu hay mưa dầm lụt ướt chân. Thời tiết Sài Gòn khắc nghiệt, ăn uống không đầy đủ, bạ gì ăn nấy, ngủ dưới gốc cây , cạnh trụ điện, ông gầy gò, ốm yếu trong bộ quần áo tả tơi, đầu đội chiếc nón lụp xụp, thân bằng quyến thuộc hay những người ngưỡng mộ thơ ông như nghệ sĩ Kim Cương đưa ông về chăm sóc được một thời gian ông lại ra đi.
Thoạt đầu mọi người ngạc nhiên, tò mò về bộ dạng, quần áo kỳ dị của ông, nhưng rồi mọi người quen dần với một người điên hiền lành, hay lẩm bẩm đọc thơ, quên cả tiếng động ồn ào xung quanh, lặng lẽ cô đơn giữa bao dòng người qua lại, ông bình thản cúi nhặt những mẩu thuốc hút dở, rồi vấn lại thành điếu để hút.
Với niềm thương cảm, tôi làm bài thơ tặng người bạn thơ chưa gặp mặt:
Đất Saigon nuôi anh Bùi Giáng
Nắng như mưa lãng đãng suốt ngày
Hẻm Lê Văn Sỹ rác đầy
Anh thiền bên cạnh hương bay ngát trời.
(Sài Gòn 20.12.1991)
Tôi nhờ nhà thơ Song Nguyên đưa tặng Bùi Giáng, ông nhận bài thơ mừng như nhận một món quà, đọc xong xếp bỏ vào túi áo. Thời gian sau, có dịp về Sài Gòn, tôi viết bài thơ khác
Gặp nhau đâu lạ lẫm gì
Vì chưng trong mộng ta đi tìm nguời
Một cõi thơ hai nét đời
Hai miền gió bụi một trời biển dâu
Ngàn năm cũ ngàn năm sau
Nụ cười vô lượng tiếng chào tiền duyên.
( Sài Gòn cuối Đông Tân Mùi)
Tôi mong gặp Bùi Giáng muốn tự tay mình gởi tặng ông nhưng cả tuần mà không thấy, ngỡ rằng không có duyên hội ngộ vì đã đến lúc phải về Dalat. Một sáng, trên đường đi gửi thư cho bác Phong Vũ, bất ngờ tôi thấy Bùi Giáng nằm ở góc đường. Ông gầy guộc đến thương, quần áo xốc xếch rách nát.
Tôi dừng lại bên ông, vỗ vai:
-Anh Bùi Giáng ! Tôi chờ anh cả tuần nay mới gặp.
Bùi Giáng hơi nhỏm dậy, cất giọng khàn khàn:
-Tui đau ! tui đau!
Tôi đỡ Bùi Giáng dậy:
-Tôi có bài thơ tặng anh đây.
Bùi Giáng cầm bài thơ đọc, cất vào túi:
-Tên gì? Tên gì ?
-Tên tôi ghi nơi bài thơ Việt Trang
-Có bút không ? Có bút không ? Có giấy không ? Có giấy không?
Đang lúng túng vì không kịp chuẩn bị, may có mấy đứa học trò hiếu kỳ đứng xem, tôi xin một tờ giấy, mượn cây bút đưa cho Bùi Giáng. Dường như không phải nghĩ ngợi, ông viết rất nhanh bài thơ
TẶNG VIỆT TRANG ĐÀ LẠT
Gặp nhau chợt cảm thấy rằng
Niềm vui tao ngộ thường hằng lạ thay
Việt Trang Đà Lạt một ngày
Sài Gòn bất chợt nhớ ngày xa xưa
(Bùi Giáng 1992)
Viết xong, ông nằm uống, co người lại ngủ. Tôi đứng lặng người đau xót trách tạo hóa hóa sao trêu người quá thể .
Khi nghe tin Bùi Giáng mất, quan tài quàn ở Việt Nam Quốc Tự. Không về Sài Gòn được để thắp nén nhang tiễn đưa, với niềm xúc động sâu xa, tôi viết bài thơ tỏ lòng kính mến
VĨNH BIỆT BÙI GIÁNG
Sáu năm trong cõi người ta
Sáu năm đâu gặp như là ngàn năm
Hoá thân cát bụi anh nằm
Còn tôi ở lại lần khân với đời…
(Ngày vĩnh biệt 7.10.98)
VIỆT TRANG